Ngân sách eo hẹp nên lắp đặt tủ bếp nào vừa rẻ vừa đẹp?

Ngày nay, có khá nhiều cửa hàng bán tủ bếp với mẫu mã đa dạng khiến bạn Thu băn khoăn khi lựa chọn mua tủ bếp cho gia đình mình. Bên cạnh đó, làm sao để mua được tủ bếp tốt nhất với giá cả “mềm mại” nhất là điều mà ai cũng phải suy nghĩ.

Với mức kinh phí 10 triệu đồng cho dự án bé nhỏ này. Lựa chọn tủ bếp nhôm kính của bạn Thu là hoàn toàn hợp lý. Sau đây là những ưu nhược điểm của tủ bếp bằng chất liệu nhôm kính để bạn Thu cân nhắc:

 

Đặc điểm: Tủ bếp bằng nhôm kính

 

Ưu điểm

- Sáng, không bám dính dầu mỡ nên rất dễ lau chùi.

- Giá thành rẻ nên được nhiều hộ gia đình sử dụng.

- Độ bền cao.

 

Khuyết điểm

- Hạn chế về mặt thẩm mỹ của gian bếp, nhìn thấy “lạnh lẽo”, không sang trọng.

- Dễ bị loang và ố nếu không chăm sóc thường xuyên.

- Không an toàn, các cạnh của tủ rất sắc có thể gây bị thương cho người dùng nếu không cẩn thận.

- Khi đóng mở cửa nghe thấy tiếng kim loại.

- Khó tạo hình, vì chỉ làm được các dạng thanh thẳng.

 

Chủng loại

Nhôm sơn tĩnh điện, nhôm vân gỗ, kết hợp với tấm hợp kim nhôm nhiều màu sắc.

 

Giá thành

700 ngàn – 1,4 triệu đồng/mét dài 


Bạn Thu nghĩ, tủ bếp bằng nhôm kính dùng lâu sẽ bị ọp ẹp, cong vênh, kêu ken két rất ghê tai khi mở ra thì nên biết rằng đây là tủ bếp do nhà cung cấp có tay nghề yếu kém và dùng nhôm mỏng, chất lượng kém để làm tủ. Thực chất, tủ bếp nhôm kính nếu dùng loại nhôm dày, chất lượng, kỹ thuật thi công tốt thì dùng khá bền, tuổi thọ 10 – 20 năm tương đương với một tủ gỗ tốt, thậm chí là bền hơn.

Do tủ bếp nhôm kính được làm từ nhôm, kính, tấm hợp kim nhôm là các vật liệu không bị ôxi hóa, mối mọt, công vênh theo thời gian, đây là mơ ước của rất nhiều những loại tủ bếp gỗ thông thường. Mặt khác, một tủ bếp nhôm kính bên dưới dài khoảng 3 mét, khi đặt mặt đá lên có thể chịu tải trọng hơn 300 kg, tương ứng với 5 hoặc 6 người thì không thể coi là ọp ẹp được.

 


 

Tủ bếp nhôm kính được làm từ nhôm, kính, tấm hợp kim nhôm là các vật liệu không bị ôxi hóa

 

Sau khi quyết định chọn chất liệu cho tủ bếp, bạn Thu nên nghĩ đến màu sắc. Tủ bếp bằng nhôm kính hiện tại có khá nhiều màu sắc để bạn Thu lựa chọn: nhôm sơn tĩnh điện màu trắng, nhôm vân gỗ, kết hợp với tấm hợp kim nhôm nhiều mầu sắc.

Nếu khéo léo thiết kế thì tủ bếp nhôm kính cũng đẹp và sang. Bạn Thu cùng sơn lại tường và làm tủ bếp thì nên chọn màu sắc phù hợp màu tường nhà bếp, thông thường có 2 cách chọn phù hợp nhất là màu tương phản hoặc màu cùng tông màu.

Một gợi ý cho bạn Thu, nếu bạn thích tủ bếp bằng gỗ có thể chọn chất liệu nhôm vân gỗ. Nhìn rất đẹp giống như tủ gỗ vậy. Nhưng nếu không gian bếp nhỏ, thiếu ánh sáng thì bạn Thu nên chọn tủ bếp nhôm trắng sơn tĩnh điện hoặc có nhiều cánh kính thì phòng bếp sẽ sáng hơn và cho cảm giác rộng hơn.

Tiếp theo là tính toán đến kích cỡ của tủ bếp thế nào hài hòa với không gian bếp nhà bạn. Xu hướng phổ biến của những cặp vợ chồng trẻ hiện nay là chọn và sử dụng những loại tủ bếp nhỏ gọn, tiện nghi. Tủ bếp càng gọn, càng xếp được gọn gàng những vật dụng nhà bếp bao nhiêu thì càng khiến khu vực bếp núc trở nên sang trọng, rộng rãi, thoáng mắt hơn.

Với căn bếp nhỏ, đầu tiên bạn Thu phải tính toán và liệt kê ra, trong một bộ tủ bếp tối thiểu phải chứa đựng được những thứ gì, tùy thuộc nhu cầu sử dụng của gia đình như bình ga, thùng gạo, thùng rác, bát đĩa, xoong nồi, đồ khô, gia vị thường dùng khi nấu bếp hay đồ làm bếp như dao, kéo, thớt…


Nên cân nhắc và định hình, món gì sẽ để ở khoang nào, cái gì để trên, cái gì để dưới… Nếu tủ bếp nhỏ, không chứa được hết đồ, bạn hãy chọn ra những món đồ quan trọng, đặt ở nơi dễ lấy và hay dùng nhất.

Thông thường, ở các tủ bếp hình chữ L, J, U, góc giao nhau ở cả tủ bếp treo tường và tủ bếp dưới rất khó để đồ vào và khó đưa đồ, thậm chí nhiều trường hợp góc này gần như là góc “chết”. Nhưng nếu bạn tạo một tủ chéo cho góc giao nhau này thì sẽ sử dụng được như một một khoang tủ bình thường. Bên cạnh đó, bạn Thu có thể tạo một kho chứa đồ trên tủ bếp.

Thông thường tủ bếp treo tường cao khoảng 70 cm. Nếu tủ nhà bạn nhỏ, bạn có thể làm cao trên 1 m hoặc hơn. Tủ bếp này sẽ được chia làm 2 phần, 1 phần cao 70 cm, phần 2 cao tiếp lên trên. Diện tích làm thêm ở trên sẽ giúp bạn để thêm được rất nhiều đồ, gần gấp đôi so với bình thường. Nhưng do ở trên cao, nên mỗi khi sử dụng, bạn sẽ phải đứng lên ghế lấy đồ, vì vậy, nên để những đồ ít sử dụng ở đó.

Nếu trần bếp nhà bạn thấp, thì khoang tủ làm thêm này có thể làm cao lên hết trần sẽ vừa đựng được nhiều đồ, vừa không sợ bụi và đẹp hơn do mất đi khe hở giữa tủ bếp treo tường và trần.

Chiều dài của tủ bếp rất quan trọng, bởi nó luôn luôn đi cùng với người nội trợ, giúp người nội trợ làm tốt bữa cơm trong gia đình và đơn giản trong việc dọn dẹp nhà bếp. Khi thiết kế tủ bếp bạn Thu nên cân đối giữa diện tích khu bếp, chiều dài của tủ và chiều cao của mình.

Để phù hợp với vóc dáng thông thường của người Việt Nam, bạn Thu nên đặt làm tủ theo kích thước tiêu chuẩn. Nên đóng loại tủ bếp treo tường cao khoảng 65 – 70 cm, sâu khoảng 33 cm để có thể với đồ trong bất cứ khoang nào của tủ; còn tủ bếp phía dưới cao khoảng 81 cm, sâu khoảng 60 cm tính cả mặt đá để khi sử dụng bếp ga hay chậu rửa không phải cúi gù người do thấp hoặc phải kiễng vì cao, có thể để vừa bình ga và tháo lắp bình ga dễ dàng.

Khoảng cách giữa tủ bếp treo tường và tủ bếp dưới chỉ nên ở mức 62 – 70 cm tùy theo chiều cao người sử dụng; cánh cửa rộng khoảng 30 – 35 cm để mở cửa tủ bếp trên không chạm vào người, mở cửa tủ bếp dưới không phải lùi người lại.

Ngoài ra, đóng tủ theo kích thước tiêu chuẩn trên khi mua bất kỳ phụ kiện nào trên thị trường (bếp ga, chậu inox, mặt đá…) đều lắp đặt được vừa vặn.

 

Tủ bếp giúp căn bếp trông gọn gàng sạch sẽ nhưng nếu không biết vệ sinh thường xuyên thì đó sẽ là nơi tích tụ các vi khuẩn

Ngoài những cách nêu trên, bạn Thu cần lưu ý thêm về công năng cất giữ bảo quản đồ đạc. Bên trong các tủ bếp, những ngăn kéo phải được thiết kế với hệ thống ray trượt tốt để có thể kéo ra thật nhẹ nhàng, tay nắm cần tạo rãnh bền chắc, dễ cầm nắm, tiện dụng. Ngoài ra, các cánh cửa phải đóng kín khít với tủ nhằm hạn chế gián/chuột.

Tủ bếp giúp căn bếp trông gọn gàng sạch sẽ nhưng nếu không biết vệ sinh thường xuyên thì đó sẽ là nơi tích tụ các vi khuẩn, khiến tủ bếp bị giảm tuổi thọ và gây tốn kém cho bạn Thu trong việc sửa chữa và trang bị tủ mới. Vì vậy, kể cả khi trong nhà đã lắp đặt máy hút mùi hay quạt thông gió, bạn Thu vẫn nên mở các cửa sổ để hơi dầu mỡ và mùi thức ăn có thể bay ra bên ngoài một cách tối đa.

Ngoài ra, vào sáng sớm, bạn cũng nên mở cửa sổ cho thoáng phòng bếp. Bởi các hơi dầu mỡ sau khi ngưng tụ lên tường, bệ bếp và các đồ vật qua đêm sẽ sản sinh ra mùi khó chịu và chất độc. Với tường gạch ốp xung quanh bếp nấu, bạn có thể dán các miếng chống bám dầu chuyên dụng. Khi chế biến các món chiên, nên lót giấy ăn/thấm dầu vào bề mặt bếp ga, bệ bếp để tránh dầu mỡ bắn ra xung quanh, bám vào các đồ vật này.

 

Theo chuyên gia tư vấn tài chính, tiêu dùng Hải Hà

Gọi 0901.822.628
Tư vấn nhanh Zalo